
|
Chọn nghề bác sĩ vì… được ăn phở miễn phí!
Mở đầu buổi tọa đàm, các diễn giả chia sẻ những trải nghiệm hướng nghiệp của mình thời thơ ấu. KTS Hoàng Thúc Hào (người dành được giải thưởng SIA-GETZ cho kiến trúc sư nổi bật ở châu Á năm 2016) cho biết, ông đi theo nghề kiến trúc là nhờ vào sự định hướng của bố mình, một người làm nghề nội thất. Sự định hướng đó may sao lại đúng đắn, vì sau những trải nghiệm đầy thăng trầm khi làm nghề, anh Hào càng ngày càng yêu nghề, gắn bó với nghề hơn, nhờ thế mà nghề cũng đã mang lại cho anh uy tín và thu nhập cao.
TS Nguyễn Thành Nam, KTS Đoàn Kỳ Thanh (người thiết kế tổ hợp Zone 9 từng nổi tiếng ở Hà Nội 5 năm trước), nhà tư vấn giáo dục Trần Hồng Quang thì có điểm chung là được tự chọn nghề, nhưng lại “bị số phận xô đẩy”, nghĩa là phải mất kha khá thời gian mới dừng lại ở một công việc mà mình có thế mạnh và đam mê nhất. Ngay như KTS Đoàn Kỳ Thanh, hiện anh đang muốn “thoát khỏi” cái nghề kiến trúc sư của mình, để tìm một công việc khiến anh cảm thấy hạnh phúc hơn, trong đó hoạt động cộng đồng là một hướng ưu tiên. Còn GS Ngô Bảo Châu thì hồi đầu qua Pháp học cũng có một thời gian ngắn phân tâm nên đã chuyển sang học lập trình máy tính một thời gian. Khoảng hai tuần đầu ông rất phấn chấn, học hành rất tiến bộ. Nhưng về sau tự ông thấy chán, nên lại quay sang “làm” toán (cho đến tận bây giờ).
Người tỏ ra hạnh phúc nhất bởi đã chọn đúng nghề là nhà giáo Đàm Hiếu Chiến. Ông nói: “Tôi không biết tôi chọn nghề hay nghề chọn tôi”. Khi được hỏi “mặt trái” của nghề giáo là gì, ông trả lời: “Với tôi, nó không có mặt trái nào cả. Vì thế nếu được chọn lại thì tôi vẫn chọn nghề giáo”.
Bố mẹ cần đối thoại với con lâu hơn
Các chuyên gia đều bày tỏ sự chia sẻ với các bạn học sinh trước những áp lực trong hành trình tìm con đường lập nghiệp cho bản thân. Người lớn đứng trước ngã ba đường đã thấy vô cùng khó khăn khi phải chọn một lối rẽ, đằng này các em nhỏ thường phải đứng trước ngã năm, nào bố, mẹ, nào ông bà nội ngoại, rồi còn bạn bè, thầy cô, xã hội… Trong hướng nghiệp, việc gây áp lực cho con là rất không nên, nhưng đúng là các em vẫn rất cần được bố mẹ hỗ trợ, giúp đỡ. Nhà tư vấn giáo dục Trần Hồng Quang chia sẻ: “Con trai tôi năm 13 tuổi rất thích trở thành vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp. Ước mơ đó không có gì là sai, nhưng nếu bố mẹ không trò chuyện với con, để con hiểu một vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp thực thụ là thế nào, thì đó là vấn đề. Bố mẹ cần chia sẻ, cung cấp thông tin để con tự nghiên cứu, rồi tự có kết luận cho chính mình”.
Theo GS Ngô Bảo Châu, nhiệm vụ của cha mẹ không phải là chọn cho con một nghề phù hợp mà là tạo ra những cuộc đối thoại đủ lâu với con, để giúp con tìm hiểu dần dần những nghề mà con có thể theo đuổi. Khi con cái và bố hoặc mẹ có ước mơ khác nhau về nghề nghiệp của con, thì không nên mặc định ai đúng ai sai. GS Châu nói: “Tâm tư của các cháu cần phải được tôn trọng. Nhưng nhiều khi do ảnh hưởng của truyền thông, hoặc chưa có kinh nghiệm sống nên nguyện vọng có vẻ không thực tế lắm. Quan trọng là cần phải có những cuộc đối thoại lâu hơn giữa cha mẹ và con cái. Sẽ rất mất thời gian đấy. Nhưng tôi nghĩ rằng những cuộc đối thoại đó sẽ mang lại hạnh phúc cho những người làm cha, làm mẹ”.
TS Nguyễn Thành Nam cũng cảnh báo các vị phụ huynh và các bạn nhỏ rằng thế giới đang thay đổi không ngừng, do đó mà các nghề nghiệp trong tương lai sẽ khác xa so với những gì mà ngay bây giờ xã hội có thể hình dung được. Vì thế điều quan trọng là các bạn nhỏ vẫn phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để làm nền tảng lập nghiệp trong tương lai, mà trong đó môn toán là một môn học quan trọng. Ông Nam nhận xét: “Sở trường của học sinh VN là môn toán, vì đấy là môn học không đòi hỏi cao siêu cơ sở vật chất, trang thiết bị, nghèo mấy vẫn học giỏi được. Bởi sau này, dù làm nghề gì, thiết kế thời trang, hay làm bác sĩ, thì vẫn phải biết toán. Hoặc học toán xong thì có thể làm được nhiều nghề khác”. GS Ngô Bảo Châu cũng đồng ý với nhận xét này: “Nếu học toán dở, khi vào đời sẽ có nhiều cánh cửa đóng lại. Do đó việc học toán tốt không phải vì toán mà là nó giúp chúng ta giữ được nhiều cơ hội”. |
Quý Hiên
Nguồn: Báo Thanh Niên